Trong bất cứ một phương pháp in nào, khuôn in là yếu tố trung tâm, nó quyết định tới dạng máy in, quá trình in và chất lượng sản phẩm in. Khuôn in là yếu tố quan trọng để phân biệt các phương pháp in, do đó người ta thường phân loại các phương pháp in theo đặc điểm của loại khuôn in. Các phương pháp in phát triển thay thế lẫn nhau nhưng về nguyên lý in thì gần như không thay đổi nhiều, mà chỉ thay đổi ở nguyên lý chế tạo khuôn in, khuôn in là yếu tố thay đổi nhiều nhất.

 

KHUÔN OFFSET

Khuôn in Offset thuộc nhóm in phẳng, có phần tử in và không in cùng nằm trên một mặt phẳng, chúng khác nhau về tính chất hoá – lý bề mặt bề mặt. Khuôn in Offset có hai loại: Khuôn in Offset ướt: loại khuôn in này phần tử không in có tính ưa nước, phần tử in có tính kỵ nước và ưa mực. Loại khuôn in này thường được làm trên một tấm kim loại, trên đó được phủ một màng có tính kỵ nước làm phần tử in còn gọi là bản kim loại một lớp, hoặc được làm bằng một tấm kim loại trên đó được mạ lớp kim loại ưa nước làm phần tử không in và một lớp kim loại kỵ nước làm phần tử in, được gọi là bản kim loại nhiều lớp. Một số ít được làm trên một tấm polyme hoặc là giấy ưa nước. Hình ảnh trên khuôn cùng chiều với tờ in sau này.

Khuôn in Offset khô (Waterless): là một loại khuôn in Offset không dùng nước, khi đó phần tử không in là lớp silicon có tính kỵ mực, phần tử in là lớp photopolyme ưa mực. Các phần tử in và không in được phủ lên lớp đế là nhựa. Loại khuôn không được phổ biến

 

ĐẶC ĐIỂM CHUNG

Khuôn in hay còn gọi là bản in (printing plate) là một bản mang các hình ảnh, chữ cần in khi lắp lên máy in, sẽ in ra được các tờ in giống nhau. Như vậy một khuôn để in ra các tờ in có các hình ảnh, thì khuôn in phải có hai phần riêng biệt là phần tử nhận mực còn gọi là phần tử in (printing area) và phần tử không nhận mực (non-printing area). Hai phần tử trên khuôn in phải khác nhau để khi truyền mực lên khuôn in, phần tử in bắt mực còn phần tử không in thì không bắt mực. Chính sự khác nhau giữa 2 phần tử này sẽ quyết định các loại khuôn in khác nhau như: nếu phần tử in cao, phần tử không in thấp người ta gọi là phương pháp in cao; phần tử in thấp, phần tử không in cao người ta gọi là phương pháp in lõm; phần tử in và không in cùng nằm trên mặt phẳng người ta gọi là phương pháp in phẳng; phần tử in và không in khác nhau về điện tích bề mặt người ta gọi là phương pháp in tĩnh điện. Để xem xét một khuôn in nguời ta căn cứ vào: đặc điểm của phần tử in và phần tử không in, vật liệu làm khuôn và hình ảnh trên khuôn là cùng chiều hay ngược chiều với tờ in. Mỗi phương pháp in có một loại khuôn in phù hợp với nó, đồng thời trong cùng một phương pháp in người ta có thể dùng nhiều loại khuôn in có đặc điểm giống nhau nhưng được sản xuất bằng các vật liệu khác nhau.